Vụ hiệu trưởng cầm quyền trượng: Cái gì phù hợp, cái gì phi lý?
Mới đây, dư luận và đặc biệt là các sinh viên xôn xao với buổi lễ tốt nghiệp được đầu tư công phu của Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ lễ phục sử dụng trong buổi lễ tốt nghiệp của trường này là điểm nhấn bởi sự khác lạ về thiết kế, từ của sinh viên, giảng viên đến hiệu trưởng.
Riêng trang phục của hiệu trưởng nổi bật khi không chỉ áo nhung màu đỏ, vòng cổ mà còn có thêm cả… quyền trượng.
‘Cần bình tĩnh xem cái gì phù hợp và cái gì phi lý?’
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu về quản trị công và chính sách, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhìn nhận đây là một nỗ lực sáng tạo của nhà trường, nhằm tạo ra một không khí mới mẻ, khác lạ và có thể giúp sinh viên cảm thấy hứng khởi trong ngày lễ tốt nghiệp.
Theo ông Đáng, nếu Bộ GD-ĐT không cấm thì mỗi trường đại học có quyền sáng tạo và khi sáng tạo thì có thể bị dư luận phản ứng.
“Việc phải đối diện với dư luận phản ứng cũng là chuyện hết sứ bình thường với bất cứ điều gì còn quá mới. Dư luận cũng không đồng nghĩa với tất cả mọi người trong xã hội, mà có thể là một nhóm người không đồng tình điều này”.
Ông Đáng cho rằng, một số bình luận cho rằng đây là sự màu mè, diêm dúa là quan điểm chủ quan. “Dù hiệu trưởng có chuẩn bị thêm quyền trượng là một điểm mới, không phổ biến lắm ở Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng nếu xét rộng ra trên thế giới thì trong các buổi lễ tốt nghiệp của các trường đại học thì người dẫn đầu bao giờ cũng có quyền trượng như vậy và đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng cho tri thức. Tuy nhiên, nhà trường có thể lắng nghe và có điều chỉnh cho phù hợp với góc nhìn của người Việt”, ông Đáng nói.
Ông Đáng cũng dẫn chứng ở lễ tốt nghiệp thạc sĩ khóa học của bản thân năm 2007 tại Đại học Queensland (Australia), các giáo sư đạo mạo nhất trường cũng xếp hàng dài và giáo sư đi đầu cũng mang theo quyền trượng và chỉ là mang tính biểu tượng quyền lực, tri thức. Ông Đáng cho rằng, những điều này cũng khiến buổi lễ tốt nghiệp trở nên trang nghiêm và thú vị hơn hẳn.
Vì vậy, theo ông Đáng không có gì đáng ngại. Vấn đề là nhà trường cần bình tĩnh lắng nghe, để xem cái gì phù hợp và cái gì là phi lý.
Cũng cần xem có các quy định cấm trong việc sáng tạo trang phục lễ tốt nghiệp. Nếu Bộ GD-ĐT không có quy định nào cấm, thì trong phạm vi tự chủ, nhà trường hoàn toàn có thẩm quyền được phép sáng tạo.
“Cần xem trang phục, lễ nghi có vi phạm các quy định hành chính của Nhà nước, của trường. Thứ hai là có gì sa đà hay trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam.
Ví dụ lễ tốt nghiệp thường mặc áo, đội mũ đạo mạo thì trường nào đó lại cho sinh viên mặc quần áo rách chỗ nọ, chỗ kia, hay quần đùi chẳng hạn,… là trái với thuần phong mỹ tục. Còn trang phục kín đáo, lịch sự mà chỉ khác nhau về thiết kế thì chúng ta cũng cần chấp nhận”.
Theo ông Đáng, nhà trường cũng nên phản hồi với các lập luận rõ ràng và vững chắc để bảo vệ sự sáng tạo, đổi mới của mình.
“Nhà trường cần nói rõ cơ sở nào để đưa ra thiết kế này. Thậm chí nhà trường có thể tuyên bố rõ quan điểm như tạo ra một nét mới cho lễ tốt nghiệp, trang trọng hơn, ý nghĩa hơn hoặc để sinh viên thấy được, cảm nhận được ý nghĩa của việc học, giá trị của tri thức. Các quy định của Nhà nước cũng không cấm trường làm theo một mẫu nào cả. Và những sáng tạo vẫn tuân thủ những giá trị văn hóa của Việt Nam, đó là đề cao tri thức, sự học, chỉ có điều cách thể hiện khác”.
Tuy nhiên, ông Đáng cũng cho rằng, với những điểm chưa hợp lý, nhà trường cũng cần nghiên cứu kỹ và điều chỉnh cho những năm tới.
‘Đều muốn khẳng định giá trị của mình’
TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: “Trang phục tốt nghiệp là một phần quan trọng trong nghi thức, hoặc nghi lễ tốt nghiệp cho người học. Nghi lễ tốt nghiệp (có nơi gọi là lễ trao bằng tốt nghiệp) có từ nhiều nguồn gốc khác nhau cả ở châu Á và châu Âu. Ở châu Âu thường xuất phát từ nghi thức của các trường đào tạo có liên quan đến các giáo hội và thường là một trong những nghi thức theo khuôn mẫu của các giáo hội (vì đa số các trường học trước đây ở châu Âu có nguồn gốc từ giáo hội). Một số quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… thì nghi lễ này có thể xuất phát từ đạo Khổng, theo nghi lễ của Khổng giáo.
Hiện nay, nhiều trường cũng đề cao việc trao bằng tốt nghiệp cho người học để vinh danh và đánh dấu ngày lễ quan trọng nhất này đối với người học bằng những nghi lễ trang trọng và trang phục tốt nghiệp”.
Cũng theo ông Nghĩa, do nhiều nguồn gốc thành lập cũng như quan niệm khác nhau về ngành đào tạo, nên trang phục tốt nghiệp của các trường học hiện nay ở Việt Nam chưa có tiêu chí hay cơ sở nào làm căn cứ.
“Mỗi trường thường tự thiết kế, thuê tư vấn thiết kế cho mình những trang phục khác nhau. Thiết kế của những trang phục này đôi khi còn phụ thuộc vào người đứng đầu tổ chức, đơn vị cả về màu sắc, kiểu dáng”.
Tuy nhiên, hầu hết, thông qua các nghi lễ và trang phục tốt nghiệp, các trường đều muốn khẳng định giá trị, đẳng cấp của cơ sở đào tạo của mình. Thông qua đó, các trường cũng chuyển tải các thông điệp trong từng giai đoạn về cơ sở đào tạo tới công chúng.
Ông Nghĩa cho hay, các trang phục tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được thiết kế phù hợp với đặc thù của mỗi bậc đào tạo. Mục tiêu của Trường khi thiết kế các trang phục này là đảm bảo sự trang trọng cho người học trong ngày lễ tốt nghiệp, đồng thời cố gắng mang được màu sắc của ngành nghề đào tạo, đúng với bộ nhận diện thương hiệu của trường và bản sắc văn hóa của Việt Nam.
“Trang phục cho cử nhân được thiết kế trên nền tảng các màu cơ bản theo logo – màu nhận diện của trường. Tuy nhiên nhà nên hướng tới thiết kế đơn giản, không lòe loẹt”, ông Nghĩa nói.
Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định thế nào về lễ phục tốt nghiệp đại học?
Tại sao hiệu trưởng đại học dùng quyền trượng trong lễ tốt nghiệp?
Lễ phục tốt nghiệp 2022 của 1 số trường đại học nổi tiếng Việt Nam
Yêu cầu báo cáo vụ Hiệu trưởng cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp
Nguồn tin: Báo Vietnamnet