University và College, trường nào to trong hệ thống đại học Mỹ?
Tiến sĩ Terry F. Buss từng có 50 năm làm quản lý, nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học của Mỹ, đồng thời tham gia quản lý và giảng dạy tại các trường ĐH ở Australia, Hungary và Nga.
Mặc dù các hệ thống cơ sở đào tạo ĐH có những điểm chung, nhưng theo ông, vẫn có rất nhiều trường hợp ngoại lệ khiến những người nghiên cứu, bao gồm cả bản thân ông, bối rối.
“Vì vậy, việc áp dụng các khuôn khổ của Mỹ ở những nơi khác phải được thực hiện một cách thận trọng. Ví dụ ở Úc, chúng tôi gọi ‘degrees’ là ‘courses’ và ‘courses’ là ‘classes'” – ông chia sẻ.
College/University
Ở Mỹ, nhìn chung, University (Trường Đại học) là cơ sở đào tạo cấp bằng đại học và sau đại học. Tuy nhiên, một số University chỉ có chương trình giáo dục ở bậc đại học.
College/School không trực thuộc University chủ yếu cấp bằng đại học.
Quy mô tuyển sinh không quyết định việc một cơ sở đào tạo được gọi là College/School hay University.
Có những trường hợp ngoại lệ điển hình. Một số cơ sở đào tạo được gọi là College mặc dù ở mọi phương diện, các trường này không khác gì với University. Một ví dụ là Trường Đại học Dartmouth, là một University nếu xét ở tất cả khía cạnh, nhưng tên trường lại là Dartmouth College.
Trong hầu hết các trường hợp, cơ sở đào tạo đại học có thể tự xưng danh là College/School hay University. Có thể có trường hợp ngoại lệ là một cơ sở đào tạo đại học công lập được Sở Giáo dục thuộc Chính quyền tiểu bang quy định tên gọi là University hay College/School. Các cơ sở đào tạo tư nhân thì không thuộc đối tượng quy định này nên họ tự xưng danh theo ý muốn của mình.
Tôi từng là Giám đốc của Heinz College, thuộc Carnegie Mellon University của Mỹ, có phân hiệu đặt tại Adelaide, Nam Úc. Do việc gọi tên trường là College gây ra hiểu lầm vì nhiều người không hiểu Heinz College trực thuộc Đại học Carnegie Mellon nên chúng tôi đã tự đổi tên thành Đại học Carnegie Mellon tại Australia.
College, School, Department
Trong phạm vi các trường đại học, các chuyên ngành học thuật thường được tổ chức thành các College/School với đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn học liên quan, chẳng hạn như giảng viên luật, y khoa hay khoa học xã hội. Trong các trường này (College/School) có thể lần lượt phân chia thành các khoa (“Department”).
Thông thường, các cơ sở đào tạo đại học được phân thành các “School” (“Trường”) chuyên sâu vào một chuyên ngành học thuật như Trường Luật (School of Laws) hoặc thành các “School” (“Trường”) có nhiều khoa, trung tâm và tổ chức.
College và School có thể hoán đổi cho nhau. Một ví dụ là “The Navy Postgraduate School“ (“Trường Đại học Hải quân”) là một trường độc lập, dùng ngân sách chính phủ nhưng chỉ đào tạo cấp sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ).
Tuy nhiên, rất hiếm khi có trường hợp một College/School lại có các College/School trực thuộc. Tương tự như vậy, ở Mỹ không có University lại có các University trực thuộc. Một University sẽ luôn bao gồm các College/School/Department/Institute.
Quy mô tuyển sinh không quyết định việc một cơ sở đào tạo được quy định là College/School. Một Department (khoa) có thể nhỏ hơn nhiều, mà cũng có thể lớn hơn nhiều so với một College/School.
Nhiều người cho rằng các cơ sở đào tạo có danh xưng University uy tín hơn nhiều so với các trường được gọi là College/School. Nhưng qua câu chuyện của Dartmouth College và The Navy Postgraduate School – đều được xếp hạng cao trong số các trường đại học ở Mỹ – thì nhận định này không đúng.
Một cơ sở đào tạo đại học có đào tạo sau đại học được cho là có chất lượng cao hơn so với một cơ sở chỉ cấp bằng đại học là quan niệm không chính xác. Rất nhiều cơ sở đang thực hiện các chương trình đào tạo sau đại học nhưng tấm bằng họ cấp thực chất không có giá trị gì.
Chuyển ngữ: Đào Thúy
Bỏ ‘trường’, ĐH Bách khoa Hà Nội dùng tên tiếng Anh nào?
Không phải giáo sư nào cũng được dạy cách trở thành giáo viên giỏi
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/university-va-college-truong-nao-to-trong-he-thong-dai-hoc-my-2088306.html