“Có học trò dốt hay không?” ư? Câu trả lời của tôi là “Không, không… và không!”
Dốt là kém về trí lực, nhưng trí óc, não bộ của mỗi người luôn khác nhau, có sự phát triển khác nhau, nhờ đó nhân loại mới đặc biệt, thế giới mới phong phú.
Con cá không thể leo cây, con chim không thể bơi, con mèo không thể bay…, đó là sự đa dạng tuyệt vời của tự nhiên.
Trong việc học cũng như vậy, có những em học giỏi các môn tư nhiên, nhiều em học tốt các môn xã hội, những em khác xuất sắc các môn âm nhạc, mĩ thuật, thể dục… Điều này tạo nên một vườn hoa nhiều sắc màu trong môi trường giáo dục.
Thế nên mới cần có những hội thi cho tất cả các môn, để học sinh có thể phát huy tốt những thế mạnh, năng khiếu của mình, đồng thời qua đó xóa bỏ tâm lý tự ti trong các em khi những môn khác có kết quả không tốt bằng các bạn.
Những cầu thủ giỏi chưa chắc đã giỏi toán, nhưng cũng phải biết tính toán cơ bản, và giỏi ngoại ngữ là một lợi thế. Hay một ca sĩ cũng không cần nổi trội trong những môn tự nhiên, nhưng nếu biết thêm kiến thức, kỹ năng khác ngoài chuyên môn của mình thì sẽ hỗ trợ, giúp ích nhiều trong công việc.
Đó chính là nhiệm vụ của giáo dục, đào tạo hướng đến cá nhân hóa, phát triển cá nhân, tôn trọng mỗi bản thể, con người học sinh.
Giáo dục nào chê học sinh dốt thì giáo dục đó đang phủi tay với nhiệm vụ của mình và đổ lỗi cho người học.
Một học sinh khi bị chê là dốt sẽ tủi hổ, tổn thương biết bao. Nếu so sánh thì điều này giống như sợi dây buộc chân con voi lúc nhỏ, để khi lớn lên nó vẫn không dám vùng thoát khỏi sợi dây đó dù dư sức. Những định kiến, sự thao túng tâm lý từ nhỏ của người lớn, của thầy cô sẽ khiến “con voi” trong học trò trở nên e sợ, nhút nhát và yếu ớt.
Câu chuyện về nhà bác học Thomas Edison cho thấy sức mạnh của những lời nhận xét, đánh giá học sinh giỏi hay dốt có sự ảnh hưởng to lớn nhường nào.
Xin tóm tắt lại câu chuyện này một lần nữa: Thầy giáo của Edison gửi thư cho mẹ ông với nội dung “Con trai ông bà là đứa trẻ đần độn. Chúng tôi không chấp nhận cho cậu bé đến trường nữa”. Mẹ ông nhận thư, đau lòng vô cùng. Để con không bị tổn thương, nhụt chí, bà đã nói với Edison rằng thầy giáo viết trong thư “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình”. Và dưới sự dạy dỗ của mẹ, Edison trở thành nhà khoa học lỗi lạc với hơn 1.500 bằng sáng chế.
Hãy tạo thời gian, không gian để học trò phát triển bản thân với những sân chơi lành mạnh, an toàn. Hãy dạy sao để các em không bị quá tải đến nỗi sợ hãi vài môn học rồi mang tiếng dốt. Để làm được những điều này, chương trình giáo dục phải không nặng nề với học sinh (để rồi lại phải có hướng dẫn giảm tải).
Học trò không dốt, có chăng là người lớn chưa đủ “khôn” để giáo dục các em.
Nguyễn Hiếu Quân (Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng)
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn “Có học sinh dốt thật không?”, mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả. Địa chỉ email của chúng tôi: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |
Xin Bộ Giáo dục đổi cách đánh giá để không còn học sinh mang tiếng ‘dốt’
‘Tôi không phạt cô học trò đánh bạn và chưa từng được khen’
Không có học sinh ‘dốt bẩm sinh’, chỉ có những em trở nên ‘dốt hóa’
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/che-hoc-sinh-dot-la-dang-phui-tay-va-do-loi-2090283.html