Thầy hiệu trưởng ở Phần Lan: Điểm số không quan trọng
Thầy Hiệu trưởng, TS Simo Veistola là người giám hộ tự nguyện cho 5 du học sinh Việt Nam đang theo học tại trường Trung học Forssa (Forssa High school – ra đời từ cuối thế kỷ 19). Ông dành cho phụ huynh Việt Nam buổi phỏng vấn cởi mở về chủ đề “học sinh hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc”.
Một hiệu trưởng tốt không nên để học sinh ngại ngùng
Thưa thầy, trong buổi lễ Orientation week (tuần lễ giới thiệu cho học sinh mới về ngôi trường) gần đây, một học sinh Forssa người Phần Lan đã tự hào giới thiệu “thầy Simo là cha của chúng tôi”. Cảm xúc của ông khi đó như thế nào?
Tôi cho rằng mỗi học sinh luôn muốn được cảm giác an tâm tại trường. Vì vậy, một hiệu trưởng tốt không nên để học sinh ngại ngùng. Bất kỳ khi nào học sinh cần sự hỗ trợ, tôi luôn có mặt hoặc ít nhất gọi điện trực tiếp để trao đổi. Tôi tin điều đó làm các em cảm thấy ấm áp. Nhờ đó, các em sẽ có động lực và kết quả học tập sẽ tốt hơn.
Có thể các em quý tôi hơn một chút, vì tôi luôn cởi mở và mong muốn được làm việc với các tài năng trẻ. Tôi thực sự rất ít khi ngồi lì ở văn phòng mà muốn ra ngoài gặp các em. Ở đây, các em tin rằng cứ đi 5 bước thì sẽ lại gặp tôi.
Học sinh tự chọn môn, thời khóa biểu, có quyền chọn giáo viên
Con trai tôi trước đây học ở một trường chuyên nổi tiếng của TP.HCM. Chỉ trong tháng đầu học tại Forssa, con đã không chỉ tự hào và yêu ngôi trường mới, mà mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Đâu là bí quyết của thầy, để học sinh quốc tế có thể hòa nhập nhanh như vậy, dù còn rào cản ngôn ngữ và tiếng Phần Lan thực sự không dễ học?
Chúng tôi là thành viên của ERASMUS – chương trình trao đổi học sinh, sinh viên toàn châu Âu. Mỗi năm có hàng chục học sinh quốc tế theo học ở đây, và ngược lại, học sinh của chúng tôi cũng có các kỳ học ở khắp các nước.
Tôi rất khuyến khích đón học sinh quốc tế, để mỗi học sinh của chúng tôi được trải nghiệm môi trường quốc tế, được giao lưu văn hóa toàn cầu mỗi ngày tại chính ngôi trường này.
Tại Forssa, mỗi học sinh có toàn quyền chủ động về việc học. Các em được tự chọn môn, tự chọn thời khóa biểu, và thậm chí có quyền chọn giáo viên.
Học sinh cũng toàn quyền lựa chọn lộ trình học tập cho riêng mình, để tốt nghiệp trong 2 năm, 3 năm, hay 4 năm học, và cũng toàn quyền lựa chọn thời gian còn lại để chơi thể thao, hoặc học nhiều hơn những môn ưa thích.
Chúng tôi không có khái niệm ‘bạn cùng lớp’, vì mỗi học sinh tự chọn lịch học, và có thể giao lưu với tất cả học sinh trong trường. Rất ngạc nhiên, điều này không làm các bạn bận tâm, mà rất hào hứng vì có cơ hội học hỏi từ mọi người.
Ngày nhập trường, thầy dẫn các học sinh quốc tế đi ăn kem, và mua tặng con trai tôi một quả bóng. Qua món quà đó, tôi có thể hiểu lời chúc của thầy là “hãy chơi thật nhiều”?
Bạn biết không, với chúng tôi, điểm số ở trường hoàn toàn không quan trọng.
Học sinh trường chúng tôi thường bắt đầu học từ 8h15, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Thường có 3 tiết mỗi ngày, mỗi tiết kéo dài 75 phút. Lớp học sẽ kết thúc vào khoảng 1h, 2h30 chiều. Có 45 phút nghỉ trưa để các bạn ăn trưa.
Sau giờ học, học sinh tự do tham gia các hoạt động theo sở thích. Khoảng 50 bạn tham gia câu lạc bộ thể thao, số còn lại học nhạc hoặc một môn nghệ thuật nào đó.
Phải chăng nhờ hoạt động thể thao như vậy, con trai tôi đã giảm được vài ký để có cân nặng khá lý tưởng?
Điều đó không chỉ nhờ hoạt động thể chất, mà theo tôi còn nhờ bữa trưa lành mạnh tại trường nữa. Chúng tôi kiểm soát để đảm bảo lượng muối và chất béo luôn ở mức thấp.
Tôi cũng muốn nói thêm, không chỉ các bữa trưa, mà laptop, tài liệu học tập, Forssa đều cung cấp miễn phí cho tất cả học sinh.
Giáo viên được đào tạo khắt khe, trao quyền tự chủ lớn
Ở đây con trai tôi học ít hơn ở Việt Nam khoảng 12 tiết mỗi tuần. Trong các kỳ thi PISA (cuộc thi toàn cầu dành cho lứa tuổi 16 về 3 kỹ năng: đọc hiểu, toán, khoa học), học sinh Phần Lan luôn đứng đầu các nước phát triển OECD, vượt trội so với học sinh Mỹ hoặc Anh. Chúng tôi có câu ‘khổ luyện thành tài’, nhưng điều này phải chăng không đúng với cách dạy và học ở Phần Lan?
Ở Phần Lan, việc khổ luyện lại dành cho giáo viên. Giáo viên trung học có bằng cấp rất cao. Họ phải trải qua quy trình tuyển chọn, đào tạo rất khắt khe và cũng được trao quyền tự chủ rất lớn, vì vậy họ đặc biệt tự hào và say mê nghề nghiệp.
Rất vui được biết trường Forssa đứng trong top-20 các trường quy mô lớn trong toàn quốc có kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp. Đâu là bí quyết của trường mình?
Một trong những nguyên nhân chính là trường có đội ngũ hướng nghiệp xuất sắc.
Mỗi học sinh luôn được hướng dẫn những ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân và cách thức tốt nhất để đạt được mục tiêu. Nhờ đó, mỗi em đều có một mục tiêu học tập rõ ràng và một kế hoạch chi tiết cho riêng mình trong suốt các năm học.
Tôi tự hào khi mỗi học sinh Forssa đều thẳng tiến vào các trường đại học tốt nhất có thể.
Sơn Hưng
Giáo viên Phần Lan không sợ sếp, không bị chỉ trích
Không những thu nhập hấp dẫn, ở Phần Lan đi dạy được xem như một phong cách sống đặc biệt. Giáo viên được tự chủ hoàn toàn và không bao giờ bị chỉ trích…
Đại sứ Phần Lan: ‘Thành công của giáo dục Phần Lan nhờ tôn trọng vị trí giáo viên’
Đó là chia sẻ của ông Kari Kahiluoto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam tại diễn đàn “Giáo dục Phần Lan: Cánh cửa mở ra thế giới” được tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.
Nguồn tin: Báo Vietnamnet