Bộ GD-ĐT sẽ làm phần mềm dạy trực tuyến miễn phí cho các trường
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các sở GD-ĐT trong quá trình triển khai; thảo luận, thống nhất triển khai một số phần mềm, học liệu dùng chung trong ngành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, giáo dục muốn chuyển đổi số phải chuyển đổi mạnh mẽ từ khâu quản lý, có sự tham gia đầy đủ của cả hệ thống chính trị và các đối tượng chịu tác động – người học, người dạy và người dân.
“Cần lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân để làm thước đo đánh giá mức độ chuyển đổi số trong bản thân ngành”.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai các dự án hướng đến nền tảng, nguồn tài nguyên dùng chung trong toàn ngành để nâng cao năng lực chuyển đổi số.
Cụ thể, Bộ đang có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục cho các trường phổ thông, mầm non trên cả nước. Phần mềm này sẽ đáp ứng các yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.
“Hiện nay, các phần mềm quản trị trường học đang có nhiều bất cập. Chúng ta dùng nhiều phần mềm khác nhau có chức năng do các nhà mạng đề xuất, chứ không xuất phát từ đặt hàng của các trường”, ông Hải nhận xét.
Bộ GD-ĐT cũng đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng để phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số. Trong đó, sẽ đầu tư trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành.
Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.
Ông Hải cho biết thêm, Bộ đang xây dựng Kho học liệu số dùng chung (bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12, do các trường ĐH sư phạm xây dựng) nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận bài giảng được chuẩn hóa tới tất cả học sinh, đặc biệt các em ở khu vực còn khó khăn.
Đối với giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT sẽ đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý điều hành.
Đã xây dựng 7.000 bài giảng e-learning Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần như trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính… và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở, 710 phòng GD-ĐT. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe…), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53.000 trường và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học. Kho học liệu số toàn ngành đã đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa với hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning (hơn 4.000 bài giảng thuộc chương trình giáo dục phổ thông, hơn 1.000 bài thuộc chủ đề Dư địa chí Việt Nam), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. |
Tặng tivi thông minh cho huyện có 18 trường tiểu học, chỉ 1 giáo viên tiếng Anh
Nguồn tin: Báo Vietnamnet