Nhiều độc giả của VietNamNet đã phản hồi bài báo ‘Hơn 1% giáo viên nghỉ việc trong một năm, Bộ GD-ĐT đề nghị trả lương tương xứng’, bày tỏ mong muốn những người làm nghề nuôi, dạy trẻ sẽ có cuộc sống đỡ vất vả hơn nếu thu nhập được tăng lên và giảm bớt áp lực trong công việc.
Trong những độc giả gửi phản hồi về báo, nhiều người đã và đang là giáo viên.
Độc giả Nghĩa Phan bày tỏ: “Nghề giáo viên là nghề cao quý và là niềm mơ ước của tôi cũng như bao bạn trẻ khi ngồi trên ghế nhà trường. Mang trong mình hoài bão về một tương lại, một tình yêu với nghề, tôi đã lựa chọn nghề giáo viên mầm non”.
Tuy nhiên, với hơn 10 năm công tác trong nghề, độc giả này cho biết đã rất nhiều lần chị đấu tranh tư tưởng giữa việc tiếp tục đi dạy hay chuyển hướng sang làm một công việc khác.
“Đã có những đồng nghiệp của tôi lựa chọn nghỉ việc để lựa chọn một công việc mới.
Lựa chọn nghỉ không phải là chúng tôi không yêu thích công việc của mình mà bởi khối lượng công việc mà chúng tôi đang làm khá lớn và vất vả nhưng hàng tháng, những giáo viên hợp đồng như chúng tôi chỉ nhận được về 3 triệu đồng, thậm chí là không đến 3 triệu.
Với số tiền này, chúng tôi không đảm bảo được cuộc sống của con cái cũng như những hoạt động thiết yếu cho gia đình trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, tôi rất mong nhận được sự quan tâm về chế độ đãi ngộ của nhà nước để chúng tôi – những giáo viên vẫn còn tâm huyết – được phần nào đó yên tâm công tác, gắn bó với nghề”.
Cùng chung tâm trạng, độc giả Nguyễn Phi Bằng cho biết giáo viên mần non ở các huyện khu vực 3 trở lên nếu hợp đồng từ 2015 đến thời điểm hiện tại tổng lương thực lĩnh chỉ có 3,6 triệu đồng.
“Số tiền này không trang trải nổi cuộc sống bản thân, huống chi là nuôi con cái đi học. Không vì yêu nghề chắc cũng chả ai muốn làm tiếp, còn lại cũng một số ít là gia đình có điều kiện mới công tác lâu dài”.
Độc giả này khẳng định “Có thực mới vực được đạo”, thử hỏi trên cả nước có ai chỉ làm giáo viên mà giàu? Anh em phải làm thêm việc này việc khác, rồi mới sinh ra những việc làm không đúng…
Dù không phải là giáo viên nhưng độc giả Hoàng Anh cũng thấm thía những vất vả của nghề dạy học khi có chị gái đi dạy đã được 14 năm.
“Lương chị 7 triệu, làm sáng – chiều (trường 2 buổi). Tối soạn bài, chấm bài, làm hồ sơ, sổ sách, kế hoạch (hàng chục kế hoạch), bồi dưỡng, học module. Thứ bảy, trường cấp 3 vẫn làm việc chứ không nghỉ. Chủ nhật đôi khi đưa học sinh đi chuyên đề, tham gia tập huấn…
Thực sự chị không có thời gian nghỉ ngơi và lo cho gia đình. Thỉnh thoảng lại đẻ ra học Anh văn, Tin học… đòi chuẩn quốc tế với chuẩn Châu Âu nhưng học xong cất tủ. Hè không được nghỉ vì còn phải ôn cho học sinh thi, rồi coi thi, chấm thi, học chính trị, bồi dưỡng, tập huấn… không lúc nào hết việc.
Quanh mình đã có nhiều người bỏ nghề. Mức lương đó có thể làm nghề gì đó đỡ nặng đầu hơn là làm giáo viên. Còn nếu với khối lượng công việc cỡ đó mà với mức lương hiện tại thì hoàn toàn không tương xứng” – Hoàng Anh chia sẻ.
Trong khi đó, độc giả Điềm Hoàng cho biết mình là giáo viên vừa nghỉ hưu.
Thầy giáo này tha thiết “Tôi thấy rất tội và thương những thầy giáo, cô giáo vùi tuổi thanh xuân dạy hợp đồng với đồng lương 3 đến 4 triệu, nghỉ hè lại không lương, thi tuyển thì gặp tiêu cực…
Đời giáo viên của tôi thương nhất là giáo viên dạy hợp đồng. Xin Bộ Giáo dục xem xét và có đề nghị trả lương xứng đáng cho họ”.
Ngân Anh(tổng hợp)
Hơn 1% giáo viên nghỉ việc trong một năm, Bộ GD-ĐT đề nghị trả lương tương xứng
Nghệ An: Thừa chỉ tiêu nhưng không có giáo viên ứng tuyển
Trót cắt 2% biên chế, giờ muốn tuyển giáo viên không dễ
Việc nặng lương thấp, thiếu tầm nhìn nên giáo viên giảm trầm trọng
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/doi-giao-vien-cua-toi-thuong-nhat-nhung-ban-day-hop-dong-2055783.html