Các giáo viên và học sinh tham gia mô hình Trường học hạnh phúc tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có những chia sẻ sau thời gian tham gia dự án.
Trong khó khăn sẽ nở hoa
Cô Lê Thị Mai Lan (giáo viên trường Lý Thường Kiệt, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế) chia sẻ 4 năm về trước, sau khi tham gia chương trình Trường học hạnh phúc, cô mong muốn mang về cho trường mình những điều mới mẻ.
Theo cô Lan, lúc triển khai trường học hạnh phúc hoàn toàn không có kế hoạch nào cả vì “bản thân mình rất cũ sau khi trở về từ lớp học”. Sau đó, cô đã phác thảo kế hoạch năm đầu tiên xây dựng nội lực, cần “dọn dẹp” lại những cái cũ.
“Vì cái cũ níu lại mình rất nhiều, mình phải thực hành cho mình và con mình. Đến năm thứ 2 thấy hữu ích cho mình và con mình, nên đã tích hợp, chia sẻ vào các môn học, trong giáo dục.
Tác động, tâm thế đối xử bắt đầu khác, ví dụ như cũng là chào cờ, nhưng trao đổi với những ưu và hạn chế đầy lòng biết ơn, tôn trọng cảm xúc của các con. Hay sinh hoạt lớp, luôn có 10 phút để giáo dục lòng biết ơn của trẻ”, cô Lan chia sẻ.
Đến năm thứ 3, trường xây dựng hệ sinh thái, phụ huynh, học sinh, mọi người, các tổ chức, đối tác, chuyên gia. Phụ huynh đã phản hồi tốt khi được nhắc “trường học hạnh phúc” tại ngôi trường này.
Còn với cô Nguyễn Trần Nhật Nguyệt (giáo viên Trường tiểu học Thuận Thành, TP Huế) vẫn nhớ như in những ngày tháng đầu tiên của trường học hạnh phúc.
“Tôi lúc đó gặp muôn vàn khó khăn vì đang rập khuôn như những gì mình đã học, mình thực hành 10 phút nhưng các em lại không đủ 10 phút để thực hiện. Tôi bắt đầu hoang mang, nghi ngại trong lòng.
Cùng với đó là áp lực chương trình dạy, hồ sơ sổ sách, chuyên môn, dự giờ, tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp. Lúc đó, tôi như hết năng lượng, không có thời gian để thực hành trường học hạnh phúc”, cô Nguyệt tâm sự.
Cô Nguyệt ngồi lại với các thầy cô trong trường, đi đến quyết định làm những gì mình cảm thấy tự tin nhất, cùng với đó tạo ra môi trường thực hành cho chính thầy cô đầu tiên.
Cô tiếp tục giãi bày: “Chúng tôi xây dựng CLB “Em hạnh phúc”, giáo dục cảm xúc cho các em, đây cũng là nơi chúng tôi tự thực hành.
Ở đây chúng tôi thực hành về lòng biết ơn, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, lắng nghe sâu, bài tập về “sơ cứu” cảm xúc. Chúng tôi mang về thực hành tại lớp của mình, và từ đó có năng lượng, có niềm tin và đi cùng nhau. Khi mình làm sẽ có những khó khăn, trong khó khăn ấy sẽ nở hoa và truyền động lực lại cho các em”.
Nữ giáo viên vui mừng cho biết từ những thay đổi, sau mỗi năm học, phụ huynh và giáo viên trở thành những người bạn, mang lại niềm vui cho cuộc sống.
Thay đổi tích cực nhờ lớp học hạnh phúc
Trần Khánh Hoàng (lớp 12, Trường THPT Cao Thắng, TP Huế) nhớ lại khi chưa tham gia dự án Trường học hạnh phúc, em khó chia sẻ với gia đình và ở trường có ít bạn nên rất tò mò để tìm hiểu thế giới bên ngoài.
Nữ sinh kể năm học cấp 2, em tìm đến mạng xã hội, gặp gỡ các bạn qua mạng xã để nói chuyện. Ban đầu, Hoàng cảm thấy rất thích thú, nhưng sau đó thì thấy rất nhiều tiêu cực xảy ra, kéo theo em tiêu cực.
“Khi tham gia ngôi trường hạnh phúc, em thực hiện hai công cụ chính đó là việc đi sâu vào bản thân và lắng nghe bản thân mình và thực hiện lòng biết ơn. Để thực hiện lòng biết ơn, mỗi ngày em viết 10 điều biết ơn.
Sau đó, em cảm thấy mình thay đổi rất lớn, trước kia khi mâu thuẫn gia đình thì em tức giận, nói những lời tổn thương ba mẹ. Đến bây giờ, khi xảy ra những tranh cãi ấy, em không còn hành xử như vậy nữa, em đặt bản thân vào vị trí ba mẹ. Bây giờ, em thoải mái chia sẻ mọi thứ với ba mẹ…”, Khánh Hoàng nói.
Theo nữ sinh này, khi tham gia ngôi trường hạnh phúc không chỉ tâm lý bản thân tốt hơn mà học tập của em cũng được cải thiện.
“Năm học lớp 11, em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đây là lần đầu tiên em đạt danh hiệu này và sau đó còn một số thành tích khác. Bây giờ, bản thân em có một giấc mơ lớn đó là mang hạnh phúc của mình chia sẻ đến nhiều người khác. Em cố gắng để trở thành một bác sĩ mang hạnh phúc cho mọi người”, nữ sinh bày tỏ.
Còn cô Đinh Thị Hồng Vân (giảng viên Khoa Tâm Lý, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế) đánh giá trường học hạnh phúc không phải điều gì đó trừu tượng mà là những thứ rất quen thuộc, cụ thể.
“Đó là xây dựng mối quan hệ, sự hài lòng trong mối quan hệ của bản thân đối với người khác. Chúng ta không bắt buộc phải làm tất cả cùng một lúc, mà hãy bắt đầu những cái thoải mái, tự tin nhất. Như những thầy cô đã đề cập, đó chính là ứng dụng linh hoạt, sáng tạo”, cô Vân cho hay.
Để lan toả trường học hạnh phúc, nữ giảng viên chia sẻ, cần tạo được môi trường an toàn bằng hệ sinh thái. Ví dụ như hàng tháng, các thầy cô có thể chia sẻ những điều đã làm được hoặc khó khăn đang gặp phải. Từ đó, các thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cần nhận được sự tôn trọng, sự lắng nghe và sự thấu hiểu.
‘Trước hết, xin phụ huynh hãy trả lại vai trò người thầy cho chúng tôi’
‘Hãy làm sao để giáo viên muốn ở lại trường thêm 15 phút sau giờ dạy’
Mỗi năm 500 trang giáo án và kế hoạch, giáo viên khó thấy hạnh phúc với nghề
‘Em mong thầy cô hạnh phúc trước khi xây trường hạnh phúc’
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/xay-truong-hoc-hanh-phuc-can-don-dep-nhung-dieu-cu-2063621.html