Từng mang trong mình “giấc mơ Mỹ”, Quỳnh Hoa (20 tuổi) thừa nhận, ngay cả khi được trường hỗ trợ 100% học phí thì chi phí sinh hoạt tại các nước như Anh, Úc, Mỹ, vẫn là một gánh nặng với những gia đình không mấy điều kiện.
Hoa đành gác bỏ giấc mơ này để chuyển hướng sang Canada – nơi mức sống phần nào “dễ thở” hơn. Dù vậy, áp lực tài chính vẫn khiến cô “ngoài thời gian học chỉ lo đi làm thêm, về đến nhà là ngủ”.
“Tại Canada, công việc part-time không thiếu, thậm chí khá dễ tìm. Nhưng vừa phải giữ điểm GPA tốt, vừa đi làm thêm là điều không hề dễ dàng. Mình từng bị một chủ cửa hàng ăn cho nghỉ việc sau 3 buổi chỉ vì không quen việc, tay chân lóng ngóng”.
Từng được cha mẹ bao bọc, “ít phải đụng tay làm gì” khi còn ở Việt Nam, thời gian đầu đi làm, Hoa chỉ biết ôm mặt khóc vì quá mệt mỏi và áp lực. Cô thừa nhận, “cuộc sống du học đã khiến mình ‘tỉnh ngộ’ rất nhiều”.
‘Làm chui’ kiếm sống
Áp lực tài chính khiến không ít du học sinh chọn cách đi “làm chui” để có đủ tiền trang trải chi phí khi học tập nơi xứ người.
Theo bà Hoàng Thu Trang, giáo sư dự khuyết tại Đại học bang Nebraska (Mỹ), với những gia đình mong muốn cho con theo học từ bậc phổ thông hay đại học tại một số nước như Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan… nhưng tài chính chưa đủ, nên cân nhắc du học sau đại học hoặc chọn các nước có học bổng chính phủ cũng như điều kiện vừa học vừa làm tốt hơn.
“Sinh viên tuyệt đối không nên đi làm chui. Nếu có khả năng nhưng vì tài chính khó khăn, người học hoàn toàn có thể tìm kiếm những công việc phù hợp với chuyên ngành, ví dụ như chủ động gửi thư cho các giáo sư xin làm trợ lý nghiên cứu. Các giáo sư luôn cần và mong muốn giúp đỡ sinh viên, nên đừng ngại viết những bức thư như thế”.
Nên chọn việc đúng ngành học
Còn với Ngọc Trâm (24 tuổi, hiện công tác tại một bệnh viện ở Toronto, Canada), việc lựa chọn đi làm thêm là để “giúp bản thân trưởng thành và độc lập hơn trong cuộc sống”.
Sang Canada du học tự túc từ năm 2018, mặc dù được gia đình hỗ trợ, nhưng Trâm vẫn quyết định đi làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt mỗi tháng và một phần học phí từng năm.
Hai tháng sau khi nhập học chương trình cử nhân Điều dưỡng tại Canada, Trâm xin đi làm thêm bán thời gian tại siêu thị và một cửa hiệu đồ uống với mức lương tối thiểu của bang Ontario là 14,5 CAD/giờ.
Chương trình học vốn có lượng kiến thức khá nặng cùng việc liên tục có bài kiểm tra hàng tuần khiến Trâm phải học cách tự cân bằng để duy trì công việc và điểm số trên lớp.
Sau đó, cô quyết định chuyển việc, nộp đơn ứng tuyển và trở thành nhân viên part-time (khoảng 20 giờ/tuần) trong đội kiểm soát Covid với mức lương 16 CAD/giờ và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện với mức lương 16,75 CAD/giờ… Những công việc này mặc dù vất vả nhưng giúp Trâm có cơ hội “tiến gần hơn với nghề” và được trở thành cộng sự trong đội ngũ chăm sóc y tế.
“Em thường phải tranh thủ những khoảng thời gian trống như khi ngồi trên xe buýt hoặc trên tàu điện ngầm đến chỗ làm để ôn bài, hoặc nếu cảm thấy quá mệt thì chợp mắt một chút. Có những hôm đi làm về khuya, 3 giờ sáng em đã thức dậy ôn bài, chuẩn bị đồ ăn, sau đó tham gia buổi học lâm sàng ở bệnh viện”.
Dù vất vả, Trâm vẫn cảm thấy “biết ơn” những công việc đã giúp mình tự trang trải tài chính cá nhân suốt thời gian học tại Canada, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, định hình cho công việc tương lai.
Theo bà Cấn Lan Anh, Giám đốc một công ty tư vấn và du học, trong trường hợp cần đi làm thêm, sinh viên nên lựa chọn những việc đúng chuyên ngành hoặc những ngành nghề tốn ít thời gian và không quá nặng nhọc.
“Nếu học ngành Du lịch và khách sạn, sinh viên có thể làm part-time tại các công ty tổ chức sự kiện trong thành phố với mức lương khoảng 200 bảng/ tuần. Mức chi tiêu tiết kiệm của sinh viên du học Anh khoảng 600 bảng/tháng nên vẫn dôi dư.
Ngoài ra, các bạn có thể tham gia giảng dạy cho các sinh viên quốc tế tại trường và được trường trả phí hoặc làm tại văn phòng chăm sóc sinh viên quốc tế với các nhiệm vụ như tổ chức các hoạt động giao lưu, viết bài đăng website, đưa đón sinh viên quốc tế tại sân bay, dẫn sinh viên quốc tế đi tham quan trường, phục vụ tại thư viện”.
Ở Úc, sinh viên được làm thêm không giới hạn đến 30/6/2023; ở Canada, sinh viên được làm thêm không giới hạn đến cuối năm 2023; ở Anh hay Mỹ, sinh viên được làm tối đa 20 giờ/tuần… Do vậy, tùy chính sách của từng quốc gia, sinh viên có thể lựa chọn công việc làm thêm và sắp xếp thời gian phù hợp”.
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/chuyen-lam-them-khong-nhu-mo-cua-du-hoc-sinh-viet-2092558.html