VietNamNet xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội – về kỳ tuyển sinh năm 2022 sau khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn (bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả).
Tôi đã cất công tìm, xem lại các dữ liệu lưu trữ, năm 2015, khi ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ sử dụng duy nhất kết quả Đánh giá năng lực để tuyển sinh (điểm tối đa 150).
Điểm trúng tuyển một số ngành ‘hot’ như sau: Công nghệ thông tin 103; Quan hệ công chúng 89,5; Quốc tế học 89; Đông phương học 95 (chưa có Hàn Quốc học); Báo chí 90.
Năm 2014, khi còn thi “3 chung” (điểm tối đa 30), điểm trúng tuyển các ngành này như sau: Công nghệ thông tin (khối A) 22. Điểm trúng tuyển theo khối C (C00) của ngành Quan hệ công chúng là 22; Quốc tế học 20,5; Đông Phương học 22; Báo chí 22.
Chênh nhau nửa điểm trong kỳ thi “3 chung” đã là tự hào, là một trời một vực.
Còn năm 2022 này, điểm trúng tuyển vào những ngành ‘hot’ lại tiếp tục cận ngưỡng gần như tuyệt đối: Công nghệ thông tin là 29,15.
Điểm trúng tuyển theo khối C (C00) của ngành Quốc tế học 29,95; Quan hệ công chúng 29.95; Hàn Quốc học 29,95; Báo chí 29.5.
Nếu hỏi có mừng hay không, tôi nói thẳng là “Không”. Điểm cao mà vẫn nóng hết cả mặt!
Với điểm thi THPT như vậy, nên từ năm ngoái cho đến năm nay, việc nhiều trường đại học, nhất là các đại học lớn, uy tín, chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT, và buộc đã phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh, trong đó có các kỳ thi riêng, Đánh giá năng lực là để tuyển các thí sinh có chất lượng vào đại học – vì sự phát triển sống còn của chính trường đại học. Bởi với nhà trường, phải có thầy giỏi, trò giỏi.
Đã thế, đề thi THPT lại chạy theo dư luận. Năm ngoái, môn Tiếng Anh điểm cao, “mưa” điểm giỏi với khoảng 20% thí sinh đạt từ điểm 8 trở lên. Xã hội kêu, thì năm nay môn thi này lại xiết lại hơn, chỉ 10% điểm giỏi. Năm 2018, tỷ lệ này dưới 5%.
Với môn Lịch sử, năm trước điểm thấp, dư luận xã hội lên tiếng, đại biểu quốc hội lên tiếng, tốn bao là giấy bút phân tích. Thế là chỉ từ 5,44% thí sinh điểm 8 trở lên, năm nay tỷ lệ này 18,1% (chả trách điểm khối C00 cao ngất).
Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh.
Với việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào đại học khi đề thi cực dễ như những năm 2020, 2021, 2022, lại cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài với giáo dục đại học Việt Nam.
Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến năm 2025.
Cũng theo Luật Giáo dục Đại học mới sửa đổi, tuyển sinh đại học là việc của các trường. Với cách diễn đạt này trong Luật, Bộ GD-ĐT tháo bỏ được trách nhiệm và áp lực lên Bộ về kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng trên thực tế hiện nay lại không phải như vậy.
Cũng cần phải hiểu cho đúng thế nào là tuyển sinh là việc của các trường, giao cho các trường? Mạnh trường nào tổ chức thi riêng cho trường ấy cũng không ổn. Thí sinh muốn thử sức vào nhiều trường, lại phải trải qua nhiều kỳ thi riêng khác nhau. Hơn nữa rất dễ nảy sinh tiêu cực khi chuyển trường, chuyển ngành ở những ngành hot. Phải có mặt bằng năng lực chung để đảm bảo khách quan và công bằng.
Cho nên không phải ngẫu nhiên ở Mỹ đại học thì có kỳ thi SAT, ACT, sau đại học có kỳ thi GMAT, GRE. Trên cơ sở kết quả điểm thi đánh giá năng lực này, tùy từng trường mới lại có chính sách tuyển sinh riêng và việc tuyển sinh là việc riêng của các trường được thực hiện trong mối ràng buộc đó.
Cho nên hiểu một cách đơn giản tuyển sinh trường nào trường nấy tự lo mà không có sự cầm cân nảy mực về chất lượng chung là thiếu thực tế và không khả thi ở Việt Nam.
Một lần nữa, vấn đề đổi mới tuyển sinh đại học lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ GD-ĐT không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan nhà nước, quốc hội không thể đứng ngoài cuộc.
Và xem ra, nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô – để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên.
Điểm chuẩn sư phạm vượt cả y dược, nghề giáo hấp dẫn trở lại?
30 ngành học có điểm chuẩn biến động mạnh nhất năm 2022
Thủ khoa các khối thi năm 2022 trúng tuyển trường đại học nào?
Tại sao điểm chuẩn ngành Báo chí lên tới 29,9?
Hiệu trưởng lý giải tại sao 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ĐH Hồng Đức
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/diem-chuan-cao-ma-toi-van-nong-het-ca-mat-2061342.html