Hiệu trưởng ở Trung Quốc ăn cùng học sinh, Nhật cấm trường nấu đồ đông lạnh
Anh
Chính phủ Anh yêu cầu tất cả các trường học cung cấp đồ ăn thức uống lành mạnh, ngon miệng và bổ dưỡng cho học sinh trên cơ sở quy định Thực phẩm học đường năm 2014.
Các tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo rằng thực phẩm cung cấp cho học sinh trong trường phải có dinh dưỡng và chất lượng cao nhằm tăng cường sức khỏe cho tất cả học sinh.
Quy định cũng yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm, những người phục vụ ăn uống trong trường học phải hiển thị thông tin về các thành phần gây dị ứng trên nhãn thực phẩm. Điều này giúp các trường dễ dàng xác định loại thức ăn mà học sinh không ăn được.
Khi thực phẩm được cung cấp bởi chính quyền địa phương hoặc một nhà cung cấp tư nhân, việc tuân thủ các tiêu chuẩn phải được quy định trong hợp đồng hoặc thỏa thuận dịch vụ. Người cung cấp thực phẩm phải công bố cho cơ quan quản lý bằng chứng về việc tuân thủ các tiêu chuẩn.
Nếu tự cung cấp thực phẩm, nhà trường phải tự đánh giá việc này theo các tiêu chuẩn, và phải đưa ra bằng chứng rằng mình tuân thủ các quy định.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, việc cung cấp bữa trưa an toàn và bổ dưỡng cho học sinh với chi phí hợp lý là yêu cầu bắt buộc đặt ra với tất cả các trường.
Các hướng dẫn định mức dinh dưỡng cơ bản trong bữa trưa ở trường học được quy định thông qua đạo luật về Chương trình bữa trưa học đường.
Theo đó, chương trình ăn trưa tại trường là bắt buộc đối với học sinh, và mặc dù không miễn phí nhưng được chính phủ trợ cấp rất nhiều. Mỗi bữa ăn chỉ khoảng 2,5 USD.
Thực đơn bữa trưa được các chuyên gia dinh dưỡng cung cấp để đảm bảo rằng học sinh được ăn những bữa cân bằng, lành mạnh và an toàn.
Các bữa ăn đều được chế biến từ thực phẩm tươi sống (không được dùng đồ đông lạnh hoặc chế biến sẵn) chứa 600 đến 700 calo và bao gồm thịt hoặc cá và rau.
Mỗi năm, cơ quan chính phủ Nhật Bản nghiên cứu chế độ dinh dưỡng và sử dụng thông tin đó để giúp các trường xác định thực đơn.
Mỹ
Các bữa ăn ở trường Mỹ được điều chỉnh bởi các quy định của liên bang, tiểu bang và địa phương.
Ở cấp liên bang, các quy định được đặt ra để đảm bảo các tiêu chuẩn dinh dưỡng tối thiểu trong bữa ăn học đường. Đạo luật Tái ủy quyền dinh dưỡng trẻ em (hay đạo luật Không để trẻ em đói và không khỏe) (CNR) điều chỉnh thực đơn các bữa ăn ở trường và tất cả các chương trình dinh dưỡng cho trẻ em trên toàn quốc.
CNR đưa ra các nguyên tắc về thực phẩm nào được phép và không được phép, đồng thời cũng cho biết số tiền mà các trường sẽ nhận được như một khoản hỗ trợ cho các bữa ăn.
Ở cấp tiểu bang, ví dụ như tại New York, cơ quan giáo dục bang quản lý thực đơn các bữa ăn của trường học liên bang. Tiểu bang và thành phố cung cấp thêm một khoản tiền để hỗ trợ các trường trong việc chi trả không những những thực phẩm mà còn lương, phúc lợi hành chính cho nhân viên nhà bếp cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Ở cấp địa phương, tại học khu thành phố Rochester (ở quận Monroe, bang New York) có Ban dịch vụ thực phẩm vận hành mô hình bếp ăn trung tâm. Các bữa ăn được chế biến tại một địa điểm, sau đó được phân phối đến trường học.
Trung Quốc
Từ năm 2011, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thực hiện một kế hoạch cải thiện chế độ dinh dưỡng cho học sinh nông thôn, với khoản trợ cấp 4 nhân dân tệ (0,56 USD)/người/ngày.
Để đảm bảo độ dinh dưỡng và an toàn cho học sinh, các nhà cung cấp bữa ăn học đường được yêu cầu chuẩn bị thực đơn dựa trên lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng rồi trình Sở Giáo dục địa phương xem xét. Tùy thời điểm, các trường sẽ cập nhật thực đơn dựa trên đề xuất của học sinh.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục, Cơ quan Quản lý thị trường Trung Quốc và Ủy ban Y tế quốc gia yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ăn cùng học sinh để giám sát, đảm bảo chất lượng thực phẩm. Ba cơ quan này khuyến khích các trường mời phụ huynh đến ăn cùng để lấy ý kiến đóng góp.
Bảo Huy
Khánh Hòa kiểm tra toàn bộ bếp ăn bán trú sau vụ hơn 600 học sinh ngộ độc
Ngộ độc ở trường Ischool Nha Trang: Nhiều loại vi khuẩn trong mẫu cánh gà chiên
Nguồn tin: Báo Vietnamnet