Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và liệt cả hai tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình, rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay và trở thành nhà giáo ưu tú.
Sáng nay, người thầy giáo đặc biệt này đã từ giã cõi tạm.
Tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò
Với chị Dương Kiều Diễm – Giám đốc Công ty TNHH KKD – nhắc tới thầy Nguyễn Ngọc Ký là kỷ niệm ấu thơ tràn về.
Đó là câu chuyện Bàn chân kì diệu, trang 107 sách giáo khoa Tiếng Việt 4 tập 1 cách đây vài chục năm mà thế hệ chị Diễm được học. “Tôi nhớ mãi những câu chữ trong tác phẩm này. Dù chỉ gặp ông qua sách vở nhưng với Bàn chân kỳ diệu, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã cho tôi thêm động lực trong cuộc sống sau này”- chị Diễm chia sẻ.
Chị Diễm không quên trong trong Bàn chân kỳ diệu hình ảnh một cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ, thấy các bạn được cắp sách đến trường cũng thèm lắm nên quyết định đến lớp xin vào học. Thế nhưng, mọi hy vọng trùng xuống khi cô giáo cầm đôi bàn tay của cậu – cả cánh tay mềm nhũn, buông thõng, bất động.
Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà thì thấy Nguyễn Ngọc Ký đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết bằng chân. Lúc đầu chỉ là những nét chữ ngoằn ngoèo khi cây bút không làm theo ý muốn của Ký. Có những lúc Ký giẫm lên trang giấy, cựa quậy một lúc là giấy nhàu nát, mực giây bê bết, ngón chân mỏi nhừ.
Nhưng được cô giáo thay cho bút chì, Ký lại kiên nhẫn viết… Nhờ luyện tập kiên trì, Ký đã thành công khi hết lớp một đã đuổi kịp các bạn, chữ viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Có lần Ký được 8 điểm, 9 điểm rồi 10 điểm về môn Tập viết.
Bao năm khổ công, thế rồi Ký thi đại học, trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp…
“Thầy là một người tràn đầy nghị lực. Thầy truyền cho tôi động lực, những lúc khó khăn cũng không bỏ cuộc. Thầy viết bằng chân, một chuyện khó như vậy mà cũng làm được, thì cuộc sống này dù còn khó khăn chúng ta vẫn có thể vượt qua nếu cố gắng” – chị Diễm xúc động nói.
“Thầy hết mình vì nghề giáo. Từ thầy, tôi cũng tin rằng cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp nếu chúng ta biết bao dung, yêu thương, biết sống hết mình vì nghề. Đó là những năng lượng tích cực mà thầy mang lại cho đời, cho mọi người” – chị Diễm bày tỏ..
Từng đọc “Tôi đi học”, anh Nguyễn Ngọc Thi – hiện công tác trong ngành giáo dục ở TP.HCM – nói rằng nghĩ tới những việc thầy Ký đã làm với nghị lực phi thường mà anh “run run xúc động”.
Với anh Thi, đó là thời điểm cách đây 3 năm khi anh bị đột quỵ.
“Khi bị bệnh, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nghĩ rằng nếu mình không làm ở trường thì mình sẽ làm ở đâu? Nếu mình không thể hồi phục như xưa thì mình sẽ như thế nào?… Nhiều suy nghĩ lắm.
Rồi tôi nhớ tới câu chuyện về nghị lực của thầy Nguyễn Ngọc Ký.
Tôi quyết định là mình phải tập luyện thể thao, đi bộ. Tôi nghĩ mình cứ tập luyện đi, mọi việc cũng sẽ ổn thỏa thôi. Nếu mình không làm quản lý được thì mình làm nhân viên, nếu mình không thể đứng lớp được thì mình sẽ làm việc khác thích hợp hơn. Và từ từ, tôi lạc quan và ít suy nghĩ hơn, rồi đã dần hồi phục”- anh Thi chia sẻ và nói rằng “nếu trên đời này có gì khó khăn, hãy nghĩ đến thầy Nguyễn Ngọc Ký”.
“Mỗi lần bưng chén cơm, nhớ ơn người trồng lúa…”
Từ Hà Nội vào TP.HCM đến viếng thầy Nguyễn Ngọc Ký ngay trong sáng nay, ông Trần Quang Minh (sinh năm 1939) vẫn nhớ hồi ấy, cả đơn vị của ông ở Bộ Tư lệnh Pháo binh đã ủng hộ tiền bạc, cơm gạo, mua sách để cho Nguyễn Ngọc Ký đi học cho tới lúc học ở Trường ĐH Tổng hợp.
Ông Minh kể lúc đầu ông tính làm cha đỡ đầu cho Nguyễn Ngọc Ký, nhưng vì ông chỉ hơn Ký 7 tuổi nên sau đó làm anh đỡ đầu.
“Ký giỏi toán lắm, nhưng vì hai tay như thế nên thầy giáo nói dạy Toán làm sao được nên khuyên học Văn hoặc Sử. Dù chuyển môn học nhưng Ký cũng rất giỏi” – ông Minh kể lại. “Sau này, tôi dạy Toán ở Trường ĐH Tổng hợp nên lại trở thành thầy của Ký”.
Theo ông Minh, khó khăn nhất của thầy giáo Ký là người vợ đầu mất sớm, bản thân lại bệnh tật phải chạy thận. Nhưng điều may mắn là các con của thầy Ký rất nỗ lực học tập và đều trở thành nhà giáo.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh – con gái của thầy Nguyễn Ngọc Ký – hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Gò Vấp). Chị Ánh chia sẻ cha mình là người mẫu mực, luôn đồng hành với con cái những vui buồn, khó khăn. Ông không la mắng khi dạy con mà luôn đưa ra những câu chuyện để con hiểu được những điều sâu sắc.
Trở thành nhà giáo, cô Ánh nói mình lấy những bài học của ông để giáo dục học sinh biết ơn. Chị Ánh luôn nhớ bài thơ cha mình từng viết:
“Mỗi lần bưng chén cơm
Nhớ ơn người trồng lúa
Ngắm bông hoa rực rỡ
Nhớ lòng mẹ đất nâu
Mỗi khi ta qua cầu
Thương con đò lẫm lũi
Khi nâng trang sách mới
Thương cây viết nhà văn…”
Bài thơ này, mỗi đầu năm học, chị Ánh đều dạy cho học sinh của mình.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký qua đời
Những vĩ nhân trong đời thầy Nguyễn Ngọc Ký
Buổi gặp thứ 1493 của thầy Nguyễn Ngọc Ký
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/neu-co-gap-kho-khan-hay-nghi-den-thay-nguyen-ngoc-ky-2064668.html