Nhà giàu Trung Quốc học làm quý tộc châu Âu: Chi nghìn USD học ăn chuối, uống trà
Nếu như việc theo học các lễ nghi, phong cách phương Tây ở Trung Quốc một vài thập kỷ trước bị cho là “mốt nhất thời” thì hiện nay, xu hướng này gia tăng nhanh chóng trong giới giàu có.
Những người này mong có thần thái và ứng xử tinh tế theo phong cách “quý tộc” phương Tây trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời khẳng định “quốc sĩ” trên trường quốc tế với niềm tự hào về nền văn hóa lâu đời.
Theo Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài của Trung Quốc, số lượng người dân đi du lịch nước ngoài đã tăng vọt từ 10,5 triệu (năm 2000) lên 57,4 triệu (2010) và 149,7 triệu (2018).
Một số hành động “không đẹp” của du khách Trung Quốc được ghi lại trên truyền thông quốc tế đã thôi thúc giới nhà giàu nước này theo học các lớp dạy phong cách “quý tộc” để tách mình ra khỏi tiếng xấu.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng cũng giảm tại Trung Quốc, nhường chỗ cho thị hiếu xài hàng chính hãng, sang trọng và chất lượng cao. Tuy vậy, người ta cho rằng, sở hữu một chiếc túi xách Chanel vẫn là chưa đủ nếu không thực sang trọng để cầm nó. Tương tự, một người có thể làm ra rất nhiều tiền nhưng vẫn không được xem trọng vì thiếu thần thái và tinh tế trong cách ứng xử.
Đó là lý do khiến người Trung Quốc, đặc biệt là giới siêu giàu, ngày càng chú trọng đầu tư vào giáo dục lễ nghi và phong cách ứng xử.
Thế hệ “ngậm thìa vàng” học “hôn gió” đúng cách
Nhiều cô bé, cậu bé “ngậm thìa vàng” đã học các kỹ năng xã hội, kỹ năng bàn tiệc và cách cư xử từ nhỏ. Việc đội cuốn sách trên đầu để đi đứng thần thái hơn không còn xa lạ với các em.
Các bài tập khác bao gồm cách giới thiệu bản thân và chào hỏi mọi người, “hôn gió” đúng cách và biết lựa chủ đề nào thích hợp để thảo luận trên bàn tiệc tối.
Không ngại chi hàng nghìn USD vào các lớp học, các bậc phụ huynh mong con mình tỏa sáng trong giới thượng lưu vốn cực kỳ cạnh tranh của Trung Quốc.
Cơ sở “nở rộ”
Nhận thấy Trung Quốc là một “mảnh đất màu mỡ”, các cơ sở đào tạo nghi thức đã nở rộ trong vài năm qua. Ngoài British Etiquette Tutors có trụ sở tại London, Học viện Chengli cũng đã đặt văn phòng đại diện ở Bắc Kinh. Trường Nghi thức Stanhope đặt văn phòng tại Thượng Hải.
Cơ sở đào tạo trứ danh trong lĩnh vực này phải kể đến Academie de Bernadac, chuyên dạy các nghi thức quý tộc Pháp.
Học viện này cho hay, khoảng 90% những người đăng ký là phụ nữ trong độ tuổi từ 25-50 đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Những học viên này thường xuyên công tác, du lịch ở nước ngoài và muốn xây dựng hình ảnh đẹp cho đất nước của mình, thông qua hình ảnh cá nhân.
Năm 2020, chính quyền thành phố Thượng Hải cũng hợp tác với Bernadac tổ chức các khóa học xử lý tình huống cho nhân viên bệnh viện, dạy học sinh cách cư xử văn minh trong các chuyến ngoại khoá nước ngoài.
Đồng thời, Academie de Bernadac cũng đào tạo cho giáo viên từ các địa phương, để họ trở thành những người dẫn dắt học sinh.
Một trường khác mà giới tinh hoa Trung Quốc vẫn tìm đến là Học viện Sarita, do nữ doanh nhân Hong Kong Sara Jane Ho thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2013.
Học viện Sarita được xem là một trong số những ngôi trường tiên phong về giảng dạy nghi thức phương Tây ở Trung Quốc. Học phí khóa học 12 ngày lên tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương 338 triệu VNĐ), với chương trình học dạy các kỹ năng từ cách tiếp chuyện xã giao cho đến cách uống rượu vang.
Đến năm 2015, chi nhánh thứ hai của Sarita đã được mở tại Thượng Hải.
Bảo Huy (tổng hợp)
Học cưỡi ngựa đang trở thành hoạt động ngoại khóa thu hút nhiều em nhỏ ở tham gia. Môn học không chỉ góp phần rèn luyện thể lực còn giúp các em vượt qua sợ hãi có thêm sự tự tin để chinh phục những chú ngựa to lớn.
Nguồn tin: Báo Vietnamnet