Người trưởng thành ở nước này đọc trung bình 4,65 cuốn sách in và 2,84 cuốn sách kỹ thuật số/năm. Hầu hết người Trung Quốc cảm thấy không hài lòng với số lượng sách đọc trong 1 năm.
Trẻ em và thanh niên dưới 17 tuổi đọc trung bình 10,36 cuốn sách mỗi năm. Sách nói đang thu hút nhiều người Trung Quốc hơn, khi 30,3% người trưởng thành (tăng 4,3% so với năm trước) và 34,7% trẻ vị thành niên (tăng 8,5%) có thói quen nghe sách nói.
Trong bối cảnh các nền tảng công nghệ đang chi phối thời gian rảnh thì nhiều người đã lựa chọn đọc sách để giải trí.
Cha mẹ dành gần 25 phút/ngày đọc sách cùng con
94,3% gia đình Trung Quốc có con dưới 8 tuổi có thói quen đọc sách và các bậc cha mẹ dành gần 25 phút/ngày để đọc cùng con.
Sách điện tử và sách nói ngày càng trở nên phổ biến với người trẻ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa đọc của Trung Quốc. Sách nói được ưa chuộng nhờ những tiện ích như tính tiện lợi chỉ cần nghe và tính hấp dẫn do cốt truyện, âm thanh hiệu ứng, và giọng đọc truyền cảm.
Thông qua hình thức này, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc được “sống lại” và được đón nhận mạnh mẽ. Ứng dụng cung cấp sách nói phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện là Ximalaya FM, sở hữu 600 triệu người dùng và chiếm 70% thị trường online audio của Trung Quốc.
Văn hóa thư viện
Nền văn minh Trung Hoa lâu đời sở hữu cả kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại, trong đó, thư viện được coi là “thánh địa” để lưu trữ những “bảo vật” này. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc tiến hành hàng loạt dự án tạo dựng các tủ sách độc lập do Thư viện quốc gia nước này thực hiện nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống, xây dựng, củng cố lòng tự tôn bản sắc và tôn vinh văn hóa tinh hoa dân tộc.
Theo đó, Thư viện quốc gia đã xây dựng dự án “Bảo tồn sách cổ Trung Quốc” nhằm lưu giữ có hệ thống các văn bản, tác phẩm cổ một cách đầy đủ nhất.
Bên cạnh ưu tiên đầu tư lưu trữ, bảo tồn các sách cổ, hiếm, sách kinh điển từ xưa đến nay, Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng triển khai tủ sách văn học đương đại, nhằm khẳng định vị thế văn hóa quốc gia.
Đối với sinh viên Trung Quốc, thư viện là “thánh địa” của việc học. Văn hoá thư viện và truyền thống tự học được rèn luyện ngay từ những năm học cấp 2, cấp 3. Ở thư viện, song song với các dãy sách dài bất tận, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhiều sinh viên ngồi ở dãy bàn tự học.
Do đó, có người nói rằng bước chân vào thư viện Trung Quốc là “ngửi” thấy “mùi” đặc biệt – “mùi” của sự nỗ lực để tiến thân trong thị trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn 1 tỷ dân này.
Lý giải cho hiện tượng này, một số người cho rằng đa số sinh viên Trung Quốc đều ở ký túc xá ồn ào, khó tập trung nên tìm đến thư viện, không gian yên tĩnh, thoáng mát vào mùa đông, ấm áp vào mùa hè, có wifi, máy tính miễn phí. Quan trọng hơn, đó là động lực, đồng thời là áp lực để cố gắng nắm bắt kiến thức, kiếm một tấm bằng Giỏi nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường việc làm sau này.
Định hướng chính sách
Các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy việc đọc sách nhằm tăng đáng kể số lượng người đọc thường xuyên vào năm 2025.
Tháng 10 vừa qua, Cục Xuất bản của Trung Quốc đã ban hành một thông tư, nhấn mạnh rằng cần thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đối với việc đọc những cuốn sách hay nhằm nâng cao khả năng đọc của người dân và tạo ra một môi trường đọc sách lành mạnh trong toàn xã hội.
Để làm được như vậy, cần có sự hướng dẫn thích hợp để khơi dậy hứng thú, tạo thói quen tốt và thúc đẩy khả năng đọc của người dân nhằm nâng cao tính chính trực cũng như trình độ khoa học và văn hóa của công chúng.
Theo đó, đến năm 2025, về cơ bản sẽ có hệ thống dịch vụ đọc trên toàn quốc bao phủ cả thành thị và nông thôn, với các cơ quan liên quan cải thiện hệ thống làm việc và khả năng cung cấp nội dung chất lượng cao cho công chúng, đồng thời tăng cường nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan.
Thông tư đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực thúc đẩy thói quen đọc sách trong giới trẻ và trong các gia đình, cũng như nỗ lực đảm bảo các quyền và lợi ích liên quan cho một số nhóm dễ bị tổn thương. Các biện pháp cũng cần được thực hiện để nâng cao chất lượng và mức độ đọc trên nền tảng kỹ thuật số.
Nghiên cứu của NOP World Culture Score Index năm 2016 cho thấy người Ấn Độ dành thời gian đọc nhiều nhất, trung bình10,7 giờ/tuần, tiếp theo là Thái Lan và Trung Quốc (lần lượt là 9,4 giờ và 8 giờ/ tuần). Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản rơi xuống cuối danh sách, với 4,6 giờ và 3,6 giờ tương ứng. |
Một báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8-0% dân số. |
Bảo Huy
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/sinh-vien-trung-quoc-xep-hang-dai-vao-thu-vien-2085315.html