Tâm sự của cô hiệu trưởng: Năng lượng vô hình nơi thầy giúp trò nên người
Xin giới thiệu bài viết của cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội gửi tới diễn đàn Dạy ‘làm người’ trong trường học.
Học trò ngày nay có sự chủ động, tự tin, dám bày tỏ quan điểm, thể hiện tình cảm với gia đình, người thân, bạn bè. Nhiều em có kĩ năng sống rất tốt, khả năng thích ứng với sự biến đổi không ngừng của xã hội. Kĩ năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin thành thạo là những ưu thế rất lớn giúp các em vươn ra hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
Nhưng bên cạnh đó, học sinh ngày nay cũng có những hạn chế. Hiện tượng thờ ơ, vô cảm với những người thân trong gia đình, với thầy cô, bạn bè xảy ra khá nhiều. Một bộ phận học sinh do được bao bọc, nuông chiều trong điều kiện vật chất đầy đủ nên thiếu đi sự tự lập, bị phụ thuộc và thích sống hưởng thụ, thiếu ý chí cầu tiến và nghị lực vượt khó…
Học sinh thời nay được các thầy cô đánh giá cao về năng lực sử dụng ngoại ngữ và kĩ năng công nghệ thông tin, kĩ năng giải quyết vấn đề linh hoạt, sáng tạo, khả năng thích ứng với sự biến đổi không ngừng của xã hội.
Song, điều thầy cô lo lắng ở các em hiện nay chính là xu hướng sống vì bản thân, sự ích kỉ, không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác trong các em ngày một nhiều. Điều đó dần thu hẹp trong lối sống, suy nghĩ của các em về lòng vị tha, sự khoan dung, hi sinh vì những người xung quanh. Nguyên nhân là các em được sinh ra và lớn lên phần lớn trong sự bao bọc, nuông chiều về cả vật chất lẫn tinh thần của cha mẹ. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh không thích làm việc, học tập, chỉ thích hưởng thụ, sống thực dụng. Một phần nguyên nhân cũng đến từ việc các em thiếu động lực cố gắng, quan niệm cá nhân…
Lắng nghe để thấu hiểu
Để “chữa lành” những biểu hiện tiêu cực này, ở trường chúng tôi, giáo viên thực sự là những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. Ngoài việc dạy học, các thầy cô giáo luôn dõi theo, đồng hành, tư vấn mỗi khi nhận thấy các vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải trong học tập, mối quan hệ với gia đình, bạn bè, xã hội.
Quá trình này không bao giờ là ngắn và dễ dàng. Do đó, điều quan trọng nhất là sự “lắng nghe để thấu hiểu” từng học sinh của các thầy cô, từ đó mới đưa ra giải pháp tối ưu cho các vấn đề xảy ra đối với các em. Bên cạnh đó, thầy cô chú trọng dạy kĩ năng, bồi đắp tình cảm yêu thương, chia sẻ cho học sinh; hướng dẫn các em những kỹ năng an toàn cần thiết trong cuộc sống.
Và quan trọng hơn cả, là những người truyền cảm hứng cho học trò của mình mỗi ngày, thầy cô thấu hiểu và yêu thương các em chân thành. Chỉ có nguồn năng lượng vô hình nhưng mạnh mẽ đó mới là “bầu khí quyển” có thể thực sự nuôi dưỡng, tác động, thúc đẩy quá trình “nên người” của các em.
Đồng thời, để đảm bảo rằng học sinh có thể phát triển thành công trong thế kỷ 21, chúng tôi chuẩn bị cho học sinh năng lực để có thể chung sống và hợp tác với những con người đến từ những vùng đất, văn hoá khác, có định hướng giá trị, niềm tin và quan điểm khác biệt.
Việc học tập không còn tập trung vào giảng dạy kiến thức mà thay đổi theo hướng tối ưu hoá năng lực tư duy của học sinh, giúp các em áp dụng những gì học được vào các vấn đề hàng ngày và giải quyết các vấn đề của thế giới thực. Cùng với đó, các thầy cô giáo cũng thúc đẩy sự chủ động trong học tập và phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới trong mỗi học trò.
Mặt khác, quá trình đánh giá cũng được thay đổi. Bên cạnh việc kiểm tra các kiến thức và kỹ năng, chúng tôi cũng tập trung vào việc nuôi dưỡng các kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề.
Một trường học thành công ở thế kỷ 21 không chỉ giúp học sinh có hành trang kiến thức mà còn đảm bảo những yếu tố cho các em thành người. Trường học ấy phải đảm bảo 3 thành phần quan trọng: Giáo viên được trao quyền; Các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả; Phương pháp tiếp cận sáng tạo đi đôi với tiến bộ công nghệ.
Nguyễn Thị Minh Thúy (Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội)
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn “Dạy ‘làm người’ trong trường học”, mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả, nhằm giúp cho trẻ khi đến trường không chỉ thu nhận được kiến thức mà còn học được cách sống tự lập, đối nhân xử thế, cách làm việc chung… trong đời sống trưởng thành sau này. Ý kiến đóng góp xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/nang-luong-vo-hinh-cua-thay-co-giup-hoc-tro-nen-nguoi-2085269.html