Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức khảo sát đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi về các kỹ năng đọc, toán, khoa học ở 65 quốc gia và nền kinh tế.
Đã có khoảng 85.000 học sinh tham gia kiến nghị cách giải quyết vấn đề. Báo cáo khảo sát này được thực hiện từ năm 2016, nhưng cho tới nay nó vẫn còn nguyên giá trị.
Báo cáo của OECD nhận định, trên khắp thế giới, đâu đâu cũng có học sinh bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của thành tích kém và mất động lực, điểm kém hơn và càng xa rời trường học. Những học sinh học kém thường có nguy cơ bỏ học cao. Khi một bộ phận không nhỏ dân số thiếu các kỹ năng cơ bản thì tăng trưởng kinh tế dài hạn của quốc gia sẽ bị tổn hại.
Tác nhân ảnh hưởng
Nhiều yếu tố rủi ro tích lũy
Các phân tích cho thấy học sinh có thành tích kém không phải là kết quả của bất kỳ yếu tố rủi ro đơn nhất nào, mà là sự kết hợp, tích lũy của nhiều rào cản và yếu tố bất lợi trong suốt quãng đời đi học.
Một học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế – xã hội, sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, ở vùng nông thôn, có nguồn gốc là người nhập cư, nói một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ phổ thông, không đi học mầm non thì xác suất có thành tích thấp là 83% .
Đặc biệt, đối với những học sinh có thành tích kém, sự kết hợp của các yếu tố rủi ro sẽ gây bất lợi cực độ. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không chỉ có xu hướng gặp nhiều rủi ro hơn mà những yếu tố đó còn có tác động mạnh mẽ hơn đến kết quả học tập của các em.
Thái độ kém tích cực đối với trường lớp và việc học
Những học sinh có thành tích kém có xu hướng ít kiên trì, thiếu động lực và sự tự tin trong Toán học so với những học sinh có thành tích tốt hơn. Học sinh trốn học ít nhất 1 lần trong 2 tuần trước kỳ thi đánh giá năng lực có nguy cơ bị điểm thấp trong môn Toán gấp 3 lần so với những em không trốn học.
Giáo viên và trường học ít hỗ trợ
Học sinh theo học tại các trường có môi trường học tập tốt và giáo viên chú ý hỗ trợ kèm cặp thì ít bị thành tích thấp. Những trường chất lượng có nguồn lực giáo dục thấp hơn và tỷ lệ thiếu giáo viên cao hơn sẽ có nhiều học sinh kém hơn.
Chương trình hành động
OECD cho rằng, các chính phủ cần đưa vấn đề sinh viên học kém thành ưu tiên giải quyết trong chương trình xây dựng chính sách giáo dục và biến ưu tiên đó thành các nguồn lực bổ sung.
Ví dụ, chính phủ Đức đã giảm số lượng chương trình học, cải thiện chất lượng các chương trình giáo dục mầm non và đào tạo ngôn ngữ cho những học sinh nhập cư không nói tiếng Đức trôi chảy.
OECD cũng đề xuất một chương trình nghị sự 10 điểm để giảm tỷ lệ học sinh học kém gồm: (1) Tìm hiểu và tháo gỡ nhiều rào cản đối với việc học, (2) Tạo môi trường học thuật vừa khắt khe vừa hỗ trợ: Nâng cao chất lượng giáo viên, tuyển dụng và giữ chân những người giỏi, (3) Hỗ trợ khắc phục càng sớm càng tốt, (4) Khuyến khích sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng địa phương,
(5) Truyền cảm hứng cho học sinh tận dụng tối đa các cơ hội giáo dục sẵn có, (6) Xác định học sinh học kém và thiết kế một chiến lược chính sách phù hợp, (7) Cung cấp hỗ trợ các trường và/hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, (8) Cung cấp các chương trình đặc biệt cho học sinh nhập cư, ngôn ngữ thiểu số và nông thôn, (9) Giải quyết định kiến giới trường học và hỗ trợ các gia đình đơn thân, (10) Giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục sớm và hạn chế việc phân loại học sinh.
Bảo Huy
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/that-bai-la-me-thanh-cong-nhung-voi-hoc-sinh-co-the-la-ngo-cut-2087304.html