Vấn đề có học sinh “dốt” hay không tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của các giáo viên, phụ huynh và học sinh cả nước.
Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ chấm điểm, bỏ đánh giá xếp loại, bỏ thành tích để học sinh không còn em nào bị coi là “dốt”.
Nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng đi học là phải có điểm số để tạo động lực cho học sinh cố gắng, học phải có tuyên dương, khen thưởng, phải chấp nhận có học sinh giỏi, học sinh “dốt” để học sinh phấn đấu.
Người viết xin phản biện ý kiến trên vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, một số nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại như Phần Lan, Úc… đều 3 không: không cho điểm, không xếp loại, không cho bài tập về nhà. Chương trình học nhẹ nhàng, không áp lực nhưng họ vẫn xếp thứ hạng rất cao trên thế giới về hiệu quả học tập, phát triển con người. Như vậy, việc bỏ cho điểm, xếp loại là một xu thế tiến bộ, mang lại hiệu quả.
Điều này cho thấy, với giáo dục, tạo môi trường học tập tốt, tạo động lực để học sinh cố gắng tự học, phát huy năng lực là đã hoàn thành sứ mệnh, không nhất thiết phải cho điểm, phải cho học sinh ở lại, phải có học sinh “dốt”.
Thứ hai, thời đi học nhiều học sinh cho là “dốt” nhưng sau này lại thành đạt, thậm chí còn thành công hơn các bạn học giỏi đồng lứa.
Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh học yếu một vài môn, từng bị thi lại thường xuyên khi học phổ thông, bị cho là học “dốt” nhưng sau này các em lại có sự nghiệp rất thành công, có em làm giám đốc doanh nghiệp lớn.
Nếu học sinh bị cho là “dốt”, bị bỏ lại, có thể các em sẽ bỏ học, mất đi hy vọng về tương lai tươi sáng, không có cơ hội nghề nghiệp, trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong khi đó, nhiều em học sinh học đạt loại giỏi nhiều năm nhưng học đại học ra không xin được việc làm vì thiếu kỹ năng mềm.
Học sinh dốt văn trở thành giáo viên tự nhiên
Bản thân tôi trước đây từng là một sinh học khá tốt các môn tự nhiên nhưng lại kém các môn xã hội như Văn, Địa. Nếu không có sự ưu ái của thầy cô, có thể tôi sẽ phải ở lại lớp, rồi chán nản mà bỏ học và không có cơ hội trở thành giáo viên như hôm nay.
Tôi học yếu môn Văn thật, một phần vì chữ viết xấu, một phần vì không hiểu bài. Sau này, khi học lên cao hơn và trở thành giáo viên lĩnh vực khoa học tự nhiên, tôi đã tự trau dồi thêm kiến thức văn học bằng cách đọc thêm sách, báo.
Đến thời điểm này, kiến thức văn học, xã hội cũng tôi đã tiến bộ hơn. Với vài trăm bài viết trên các báo, tạp chí lớn nhỏ trên cả nước, chắc không có ai tin tôi lại xuất thân từ học sinh dốt Văn.
Từ câu chuyện của mình, tôi tin rằng không có học sinh “dốt”, chỉ có học sinh học chưa tốt môn này, môn kia hoặc chưa được chỉ đường đi đúng hướng hoặc học lệch.
Vì thế, tôi cho rằng, nhiệm vụ của giáo dục là uốn nắn, chỉ dẫn để các em đi đúng hướng, phát huy được năng lực, sở trường của bản thân thay vì coi nặng chấm điểm, xếp loại, xét nét những em học chưa tốt
Với các em, tôi cũng mong rằng đừng vì sự thiển cận của một số người, vì thành tích, điểm số, khen thưởng chưa cao… mà đánh mất ước mơ, tương lai, hy vọng của mình. Đôi khi các em học chưa tốt môn này nhưng hoàn toàn có thể học tốt những môn khác và trong số đó, tôi tin rằng sẽ nhiều em có thể làm việc tốt, hữu ích cho xã hội sau này.
Thanh Bình
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn “Có học sinh dốt thật không?”, mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả. Địa chỉ email của chúng tôi: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |
‘Chê học sinh dốt là đang phủi tay và đổ lỗi’
Thầy hiệu trưởng ở Phần Lan: Điểm số không quan trọng
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vietnamnet.vn/tung-la-hoc-sinh-dot-van-nay-viet-tram-bai-bao-2090995.html